Hiện nay, hầu hết các quốc gia triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) vào cả khu vực công và tư với mục tiêu thúc đẩy thương mại điện tử.
Mỗi quốc gia có những cách thức lập HĐĐT riêng.
Nhiều nước đã triển khai HĐĐT
Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho thấy, tại nhiều quốc gia, đối tượng áp dụng HĐĐT chủ yếu là doanh nghiệp (DN), người bán hàng, dịch vụ và nhà cung cấp. Việc lập HĐĐT được áp dụng cho các đối tượng giao dịch B2G (giữa DN và Chính phủ), B2B (giữa DN với DN), B2C (giữa DN và khách hàng cá nhân).
Tại châu Âu, HĐĐT được sử dụng phổ biến ở các DN lớn. Cụ thể, tại Thụy Điển, HĐĐT được đưa vào triển khai từ cuối những năm 1980 và đối tượng là DN. Sau khi Ủy ban châu Âu (EC) xác định HĐĐT trở thành một phần của kế hoạch hành động châu Âu điện tử, thì đến năm 2014, Liên minh Châu Âu (EU) đã ban hành một số chỉ thị quy định chính quyền hành chính ở tất cả 28 quốc gia thành viên đến năm 2018 phải sử dụng HĐĐT B2G.
Trong khi đó, ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, việc áp dụng HĐĐT đang ở các giai đoạn khác nhau, mục đích là tạo điều kiện cho việc tuân thủ pháp luật thuế và cải thiện số thu thuế. Tại Trung Quốc, cùng với việc cải cách quản lý thuế, cơ quan chức năng đã điện tử hóa con dấu, chữ ký và hóa đơn thông qua công cụ xác nhận danh tính giúp đảm bảo độ chính xác về thông tin. Việc này giúp cơ quan thuế có thể giám sát tức thì thay vì giám sát hậu kỳ như trước đây.
Cho đến nay, Trung Quốc áp dụng HĐĐT cho tất cả các DN. Mỗi hóa đơn đều có mã QR, con dấu của cơ quan thuế và hệ thống ký mã hiệu, dùng để quét thông tin trên từng hóa đơn. Thông qua HĐĐT, cơ quan thuế có thể kiểm tra được lượng hàng tồn kho của DN. Theo lộ trình, Trung Quốc đang thực hiện xây dựng Cục Thuế điện tử nhằm thực hiện chiến lược số hóa quốc gia.
Phạt tiền đối với những trường hợp không tuân thủ
Cũng theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, mỗi quốc gia có những cách thức lập HĐĐT riêng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế và cơ quan thuế. Mặc dù được áp dụng rộng rãi nhưng phương thức áp dụng HĐĐT của các nước rất khác nhau. Một số quốc gia như Hàn Quốc, Indonesia áp dụng hình thức HĐĐT bắt buộc đối với tất cả các DN. Trong khi, Mexico hay Chi Lê lại yêu cầu áp dụng đối với một số nhóm DN có doanh thu trên ngưỡng quy định. Còn Đan Mạch bắt buộc HĐĐT cho một số loại hình giao dịch. Bên cạnh đó, để thúc đẩy việc sử dụng HĐĐT, một số nước áp dụng cơ chế khuyến khích, như cho phép giảm trừ vào nghĩa vụ thuế một số tiền nhất định cho mỗi HĐĐT sử dụng. Ngược lại, đối với những quốc gia yêu cầu bắt buộc, thì thường có chế tài đối với trường hợp không tuân thủ.
Đối với trường hợp không tuân thủ pháp luật về HĐĐT, cách thức xử lý tuỳ thuộc vào từng nước. Điển hình là tại Hàn Quốc, hành vi không lập HĐĐT, người bán bị phạt 2% trên giá trị giao dịch, người mua không được khấu trừ thuế. Nếu lập hóa đơn trong chu kỳ khai thuế (quý) nhưng sau thời gian quy định của ngày lập (sau ngày mùng 10 tháng sau), người bán, người mua đều bị phạt 1% giá trị giao dịch. Nếu lập hoá đơn nhưng không cung cấp hàng hóa dịch vụ thì cả người bán và người mua đều bị phạt 2% giá trị giao dịch. Nếu người bán chuyển hóa đơn cho cơ quan thuế sau từ 2 ngày phát hành trở lên và trước ngày 11 của tháng tiếp theo sẽ bị phạt 0,1% giá trị giao dịch đối với cá nhân, 0,5% giá trị giao dịch với tổ chức. Nếu người bán không chuyển hóa đơn cho cơ quan thuế trước ngày 11 của tháng tiếp theo sẽ bị phạt 0,3% đối với cá nhân, 1% đối với tổ chức; không phát hành HĐĐT, không chuyển hóa đơn, chuyển hóa đơn muộn sẽ bị phạt 50 triệu KRW đối với DN nhỏ và 100 triệu KRW đối với DN vừa và lớn. Trường hợp DN cố tình vi phạm các quy định về HĐĐT thì không hạn chế mức phạt tối đa.
* Ông Phạm Văn Chức – Cục trưởng Cục Thuế Thái Nguyên:
Ngăn chặn tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp
Thời gian qua Cục Thuế Thái Nguyên đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý thuế nhằm tăng tính minh bạch và tạo thuận lợi cho người nộp thuế (NNT). Một trong những giải pháp chính được Cục Thuế Thái Nguyên đẩy mạnh là tăng cường tuyên truyền đến cộng đồng DN, tổ chức chuyển đổi từ hóa đơn giấy, hóa đơn tự in sang sử dụng HĐĐT.
HĐĐT là một hình thức hóa đơn hiện đại được thao tác hoàn toàn trên hệ thống máy tính có kết nối internet. Nhờ thực hiện hoàn toàn bằng máy tính và trên hệ thống các phần mềm quản lý nên thông tin được kê khai chính xác cùng những mã số cụ thể, riêng biệt và bảo mật giúp cơ quan quản lý kiểm soát và theo dõi được sát sao tình hình sử dụng hóa đơn của các DN, qua đó ngăn chặn được các hành vi mua bán hóa đơn, trốn thuế gây thất thu cho ngân sách.
Qua thời gian thí điểm, nhiều DN đánh giá HĐĐT mang lại khá nhiều lợi ích như: tiết kiệm chi phí cho DN; an toàn, bảo mật…, đặc biệt giúp DN tránh rủi ro trong bảo quản cũng như hạn chế được tình trạng sử dụng phải hóa đơn giả. Đây có thể nói là giải pháp quan trọng giúp ngăn chặn tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
* Ông Hoàng Văn Thuấn – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ tin học EFY Việt Nam:
HĐĐT giúp DN tiết kiệm 90% chi phí
Ngành Thuế triển khai sử dụng HĐĐT thay cho hóa đơn giấy là việc làm vô cùng hữu ích cho DN và người dân. Sử dụng HĐĐT giúp DN tiết kiệm tới 90% chi phí so với sử dụng hóa đơn giấy.
Việc sử dụng HĐĐT, đặc biệt là HĐĐT theo Thông tư 32/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính trong thời gian qua cho thấy, HĐĐT giúp giảm thời gian làm thủ tục hành chính (TTHC) thuế của DN và cơ quan thuế. Bởi, khi sử dụng HĐĐT thì cơ bản các TTHC thuế của DN cũng được thực hiện điện tử. Theo đó, DN chỉ cần gửi thông báo và mẫu hóa đơn đến cơ quan thuế về việc sử dụng HĐĐT, sau khi thông báo được chấp nhận thì DN được sử dụng ngay HĐĐT.
Tuy nhiên, để HĐĐT triển khai rộng rãi được thuận lợi nhất, tránh những rào cản thì phần mềm khởi tạo HĐĐT phải có tính hoạt động độc lập với các phần mềm quản trị DN, không phụ thuộc vào bất kỳ ứng dụng nào khác. Bởi lâu nay, các phần mềm bán hàng, kế toán, phần mềm quản trị DN không kết nối, tích hợp được với phần mềm khởi tạo HĐĐT. Điều này dẫn đến việc DN phải bỏ thêm chi phí phụ thuộc để đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu của DN.
Nếu giải quyết được vấn đề nêu trên bằng một quy định cụ thể thống nhất sẽ làm giảm chi phí phụ thuộc cho DN khi sử dụng hệ thống các phần mềm trong quá trình quản trị DN, đồng thời, đây cũng là động lực, là yếu tố tích cực giúp DN tham gia sử dụng HĐĐT trong thời gian tới.
* Ông Đặng Văn Hoạch, Trưởng phòng Kinh doanh - Công ty Điện lực Thái Nguyên:
Đáp ứng chủ trương “Chính phủ điện tử”
Qua thời gian gần 4 năm thí điểm thực hiện HĐĐT đã thực sự mang lại cho DN rất nhiều lợi ích. Cụ thể, HĐĐT giúp công ty tiết kiệm được khoảng 4,2 triệu hóa đơn giấy phải in mỗi năm, tương ứng tiết kiệm được khoảng 2,9 tỷ đồng tiền in hóa đơn mỗi năm.
Không những mang lại lợi ích cho DN, HĐĐT còn tạo thuận tiện cho khách hàng, nhất là các khách hàng phải kê khai nộp thuế. Do dữ liệu hóa đơn online nên việc kết hợp thanh toán qua nhà cung cấp khác (ngân hàng, kho bạc…) được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng, số liệu chính xác, tạo điều kiện cho khách hàng nộp tiền điện mà không phải đến quầy thu của ngành điện. Đồng thời, tránh mất, thất lạc hóa đơn, thuận tiện trong việc tìm kiếm, tra cứu hóa đơn nhanh và có thể tra cứu trong suốt thời gian áp dụng HĐĐT.
Thời gian tới, HĐĐT được triển khai rộng rãi sẽ đáp ứng được chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 36a về Chính phủ điện tử.
(Theo TongCucThue) |